PHẦN BA
BỐ CỤC HỢP LÝ CỦA BỘ GIA PHẢ
Biên soạn bộ gia phả được chia ra từng bước sau:
● Cách đặt tựa và cách viết lời tựa: Không nên đặt tựa chữ Hán - Việt, cũng đừng đặt như “Võ tộc thế phả”. Tựa của quyển gia phả gồm hai phần chính: phần trên là tên dòng họ ta đang dựng, phần dưới là địa danh hành chánh đương thời, ghi kỷ từ ấp hoặc thôn, xã, huyện đến tỉnh hoặc thành phố.
ví dụ:
GIA PHẢ HỌ TRƯƠNG
Thôn La Cầu, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam
Với tựa trên, người tìm sẽ dễ dàng, không nhầm lẫn. Những tên xóm (thôn) trong quá trình lịch sử đã qua thì sẽ đưa vào phần phả ký.
● Lời nói đầu: Phần nhiều là do dòng họ viết hoặc ta viết theo sự ủy nhiệm của dòng họ. Bắt đầu nêu mục đích, nguyên nhân, lý do ta làm phả; tiếp theo nêu diễn tiến quá trình thực hiện, cùng ai làm, làm và đạt kết quả các phần theo bố cục ra sao. Nêu ưu khuyết, kêu gọi lớp hậu duệ bổ cập. Lời cảm ơn, ngày tháng viết, và tên họ những người chủ trì. Câu văn cần súc tích, ngắn gọn.
Phần chính phả: Gồm phả ký, phả hệ và phả đồ.
Phả ký: Phả ký là lịch sử tổng hợp, toàn diện, chi tiết của dòng họ (thực tế là của một chi họ), viết theo lối viết sử, trong sáng, gãy gọn, dễ hiểu; cần nắm chắc các thuật ngữ chuyên ngành gia phả.
Lúc ghi chép cần tôn trọng hệ thống ký ức và truyền miêng của người trong họ. Mỗi họ, khi tiếp xúc sâu sẽ phát hiện được một vài người am hiểu, minh mẫn. Cách hỏi, cách phỏng vấn phải theo trình tự, hệ thống, từng loại việc, từng người. Phải tới từng chi, từng hộ để hỏi, quan sát.
Hệ thống mồ mả, bài vị, văn bản tương phân ruộng đất, sổ bộ đời, địa bạ, sách “Đăng Khoa Lục”, tự điển Nhân vật, các loại bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận “Mẹ Việt Nam anh hùng”… là nguồn bổ sung quí cho ta.
Phả ký là bài văn khó viết nhất!
Bài phả ký phải đạt mục đích, yêu cầu:
Phải phản ánh toàn điện lịch sử dòng họ từ khởi thủy đến nay; xác định rõ tính ưu việt của dòng họ, đây là quan điểm đúng đắng và chỉ ra phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa.
Do đó, để viết phả ký đầy đủ, cần phải đi thực tế (đi điền dã), trực tiếp khảo sát, sưu tra đầy đủ; liên hệ thật sâu từng thời kỳ lịch sử ứng với tùng đời trong họ; phải quán triệt quan điểm chức năng, nhiệm vụ gia đình xã hội chủ nghĩa, phải vận dụng kiến thức sẵn có; phải nhẫn nại, kiên trì, nghiêm túc, khi chấp bút, sau cùng là giọng văn trong sáng, dễ đọc…
Trong trường hợp dòng họ có gia phả gốc, viết bằng chữ Hán chắng hạn, ta dịch ra Quốc ngữ và đưa vào thành một phần của phả ký, sau đó là phần kế tục của các đời tiếp theo..
Nội dung hợp lý gồm: Phần trên nêu nội dung, ý nghĩa, sự tác động của gia phả trong đời sống dòng họ; tiếp theo ta nêu sự phát tích dòng họ; vị tổ đời một, vị tổ khai cơ nêu tiểu sử và đây chính là người sản sinh ra dòng họ; tiếp theo nêu vị trí tổ quán với cách thức nêu tuần tự từ địa chí về xóm ấp, địa lý tự nhiên rồi nêu tiếp về lịch sử xóm ấp, lịch sử các dòng họ sống chung; rồi viết về đình, miếu…
Đi sâu hơn ta nêu gia đình – dòng họ là nơi “tái sản xuất ra con người”, nơi con cháu hậu duệ các đời sinh ra, để duy trì dòng giống, nâng cao trí lực, thể lực, đảm bảo tái sản xuất cho lao động xã hội. Ở đây ta có dịp thống kê từng chi đã sanh ra bao nhiêu nam, nữ; đã tổ chức cưới gả bao nhiêu họ khác với hai qui luật cơ bản là hôn nhơn và di truyền..
Chức năng kinh tế và tổ chức đời sống cho từng gia đình trong họ: Thủơ ban sơ, các vị tiền hiền đến bám đất khai canh, trải qua các đời đã từng đảm đương kinh doanh các nghề ra sao.
Chúc năng giáo dục: Giáo dục tri thức, kinh nghiệm, đạo đức và lối sống, giáo dục nhân cách và thẩm mỹ, ý thức cộng đồng. Phương pháp giáo dục đa dạng, chủ yếu là nêu gương, thuyết phục, lấy gia phong, gia đạo để giáo dục, tự giáo dục. Ta chú ý chủ thể là các bậc ông bà, cha mẹ
Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm – sinh lý, tình cảm: Ở đây, những vấn đề về giới tính, về giới, về thế hệ, những sự mệt mõi trong lao động, những căng thẳng trong chiến đấu, những niềm vui cẩn sẻ chia. Gia đình – dòng họ là nơi có vai trò giải quyết, bằng vị thế hoặc ông bà, hoặc cha mẹ, hoặc anh chị, trong đó cần chú ý vai trò những bà mẹ.
Nhìn qua tổng thể dòng họ, chúng ta phải mô tả cho được vai trò của dòng họ trong lịch sử ở các khía cạnh: qua hôn nhân và di truyền đã sản sinh ra đời kế tiếp nối dõi tông đường, là dòng họ với truyền thống lao động, sản xuất, bám đất giữ làng, xây dựng sự nghiệp, là dòng họ yêu nước, yêu quê hương, là dòng họ với truyền thống văn hóa.
Tính chất, đặc điểm ưu việt của dòng họ: Đây là sự đánh gia khái quát những tính chất ưu việt các mặt đã nêu. Phải quan sát, khái quát một cách sắc bén, nêu đúng bản chất dòng họ. Có thể suy nghĩ và nêu sau cùng sau khi đã chiêm nhiệm dòng họ. Những nhược đểm, khiếm khuyết ta vẫn có thể nêu để rút kinh nghiệm trong họ, hoặc là chưa nêu chứ nguyên tắc không được làm sai lệch lịch sử dòng họ.
Sau cùng là nêu phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa với những tiêu chí của Đảng và Nhà nước ta đã chỉ ra và truyền thống dòng họ Việt Nam đã xây dựng. “Dân giàu nước mạnh – Dòng họ trường tồn – Gia đình phúc đức” là mục tiêu tồn tại của dòng họ. Gia đình Việt Nam, trên cơ sở “quan hệ bình đẳng – thương yêu – có trách nhiệm – cùng chia sẻ công việc”:
● Phương pháp viết bài phả ký:
Sưu tầm tài liệu bắt đầu bằng một chuyến đi điền dã. Đây là công việc vất vả, phải đi xa và đi nhiều nơi trong dòng họ để hỏi, phỏng vấn, lấy thông tin trong các bậc lão thành hoặc người am hiểu trong họ về tiểu sử ông bà tổ, về nhà thờ tổ; khảo sát mồ mả, tìm hiểu di chúc, giấy tờ đất đai hương hỏa; quan sát địa lý xóm ấp, đình chùa, miếu mạo…
Phỏng vấn phải khéo léo, với hình thức linh hoạt vì hỏi không khéo người ta không nói, hỏi dồn dập người lớn tuổi bối rối quên mất. Có khi phải đi lại nhiều lần, vì không gặp đối tượng. Nói chung là phải kiên trì…
Sau chuyến đi điền dã, ta phải vào kho lưu trữ quốc gia, thư viên hoặc sở địa chính, tư pháp, công an…để có thêm tư liệu về đất đai, nhân thân, di chúc, hộ tịch.
● Tổng hợp và xử lý tư liệu, hoàn tất bài phả ký:
Sắp xếp tư liệu theo thứ tự thời gian và theo từng loại. Dùng phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh để sử dụng thông tin chính xác nhất. Cần giải quyết những mâu thuẫn trong lời kể.
Bắt đầu công việc chấp bút. Trước tiên ta lập đề cương, dàn bài chi tiết (như trên), rồi dùng thể văn trần thuật, tường thuật, miêu tả, phân tích và phải cân nhắc xoáy vào trọng tâm, không để lạc đề, không cường điệu, ca ngợi quá sự thật; tôn trọng tính khoa học nhưng không đi sâu nghiên cứu làm bài viết khô khan, ngán đọc
Các mặt tích cực và nhược điểm của gia đình phải được tôn trọng, chưa nói chứ không được nói khác đi. Với bài phả ký đòi hỏi trình độ hiểu biết về lịch sử, địa lý, dân tộc học của người đi dựng phả.
● Cách thực hiện phả hệ và phả đồ:
Phả hệ là một nội dung chính của bộ gia phả, được sắp xếp sau phần phả ký, trong đó ghi tất cả bà con dòng họ (nội) của gia phả tùy theo thực tế tìm hiểu về trực hệ và bàng hệ dòng họ. Tôn trọng nguyên tắc “đích thứ – trên dưới”. Trình bày theo chiều ngang, chiều dọc hoặc kết hợp chiều ngang và chiều dọc. Ở mỗi chiều, chi trưởng, đời thứ nhứt, con cả ghi trước, chi kế, đời kế, con kế ghi sau cho tới đời hiện nay. Cũng giống như việc ghi chép lịch sử, phả hệ phải trung thực, khách quan, toàn diện gồm khung tên họ, kỷ sự (tiểu sử) và các con.
- Phương pháp theo chiều ngang: Là trình bày cá nhân thành viên dòng họ theo từng đời, hết đời 1 sang đời 2, đời 3, cho đến đời hiện tại. Ưu điểm của phương pháp là giúp ta định vị được cá nhân thành viên trong dòng họ thuộc đời nào một cách dễ dàng để từ đó nhận ra vai vế của từng người. Tuy nhiên gia phả với qui mô lớn, phương pháp nầy khó theo dõi để nắm chi tiết từng chi, nhánh, hệ nào đó của gia phả.. Vì vậy, phương pháp nầy chỉ phù hợp với gia phả có qui mô nhỏ (ít đời, tổ đời 1 sinh ít con)
- Phương pháp theo chiều dọc: Là phương pháp trình bày một cá nhân thành viên và tiếp theo đó là con cái trực hệ của họ. Thí dụ ông A có 3 con là B1, B2và B3, về B1 ông nầy có có con là C1, C2 và C3, kế tiếp ghi về ông C1 có các con là D1, D2, D3…cho đến cuối. Phương pháp nầy có hiệu quả khi cá nhân từng đời ít con cái (cá nhân đông con, phương pháp nầy sẽ tạo ra manh múng).
- Phương pháp tổng hợp: Kết hợp cách trình bảy ngang và dọc. Đây là sự cắt dọc phả hệ ra thành từng phần nhỏ, ở phần nhỏ ta trình bày chúng theo chiều ngang. Những gia phả qui mô lớn, bố cục nội dung theo từng cụm, rất dễ theo dõi.
Có thể đưa ra mẫu cấu trúc cơ bản của phả hệ, mẫu nầy áp dụng cho cả ba phương pháp (xem mẫu trình bày sau). Cấu trúc mẫu nầy tuần tự như sau: tiêu đề phụ là dòng chữ ĐỜI I (hoặc II, III); tiêu đề chính là dòng chữ: CÁC CON ÔNG….VÀ BÀ….
Tiếp theo là những người con của ông bà như đã nêu ở tiêu đề chính, mỗi người được đặt trong khung hình chữ nhật (là độc thân), hoặc trong hình chữ nhật được ngăn làm hai (là người có gia đình).
Theo qui định, ở phía tay trái là ô để ghi người con của ông bà đó (là người của dòng họ và ở phía tay phải để ghi vợ hoặc chồng của người có tên ở ô tay trái.
Nội dung trong từng ô nầy với những loại thông tin giống nhau, mỗi thông tin được ghi một dòng gồm: họ và tên, năm sanh và năm mất (nếu đã qua đời), ngày giỗ (tất cả lấy ngày âm lịch), mộ (với người qua đời). Ví dụ:
2. NGUYỄN VĂN TÂM
(1920-1985)
Giỗ: 25-8 Âm lịch
Mộ: Xã An Nhơn |
TRẦN THỊ BÍCH
(1923-1988)
Giỗ: 16-2 Âm lịch
Mộ: Xã An Nhơn |
(Trường hợp có nhiều vợ hoặc chồng thì trình bày tiếp xuống dưới cho cân đối)
Nội dung tiếp theo sau, bên dưới vuông chữ nhật nêu trên, gọi là kỷ sự. Đó là những thông tin về các thành viên nói trên và con cái của họ. Tùy đặc điểm hành trạng cá nhân, có thể chỉ năm ba dòng. Cũng có thể nhiều hơn, nhưng không nên biến nó thành một tiểu sử nhân vật, hay một bản lý lịch dài.
Những thông tin tối thiểu dành cho cá nhân nầy: ngày tháng năm sinh,, quê quán, tên thường gọi, bí danh, bút danh nếu có. Tóm tắt lịch sử bản thân. Nếu qua đời, cần nêu lý do qua đời, mộ chôn ở đâu, ngày giỗ, người lo giỗ và những chi tiết khác như tuổi ta (âm lịch), sự khác nhau giữa ngày, tháng năm sinh thật so với giấy tờ hộ tịch, quá trình di dời, chuyển đổi mộ phần.
Cuối cùng là kể tên những người con, nếu con của những người nầy có những người con thuộc đời hiện tại (hoặc thuộc đời cháu ngoại cuối cùng mà gia phả đề cập) thì có thể nói gộp phần kỷ sự của họ và kể tên những người con của họ trong phần nầy
● Phương pháp tiến hành: Đi điền dã.
Đặc điểm là đa số các dòng họ không có gia phả cổ (gia phả gốc), lần đầu xây dựng bộ gia phả, những thông tin cho nội dung phả hệ, chủ yếu dựa vào ký ức và thực trạng, người sống và mồ mả. Vì vậy, công tác điền dã rất quan trọng, gần như là công việc chủ yếu của người thực hiện gia phả.
Qui trình rất đa dạng, phong phú với những bài học kinh nghiệm. Lời khuyên: cố gắng ghi kỷ một lượt để khỏi đi lại rất phiền.
Các hình thức thu thập thông tin khác: có hai hình thức chủ yếu là mẫu khảo sát phả hệ và việc tra cứu các thông tin cần thiết.
● Các loại Phả đồ
Phả đồ có thể vẽ theo bốn dạng khác nhau: Sơ đồ, Vòng tròn đồng tâm, Cây phả đồ và dạng các đường kẻ dọc. Phả đồ chỉ ghi tên những cá nhân là nội tộc, nói cách khác, đó là những người có thiên chức duy trì nòi giống của dòng họ mình, vì vậy trong phả đồ không ghi tên những đứa con của các con gái. Đây không phải quan điểm trọng nam khinh nữ, mà những người con của các con gái mang họ của chồng đã thuộc dòng họ khác rồi. Như thế, phả đồ không phải là bảng tóm tắt phả hệ.
Thông thường, một gia phả chỉ có một phả hệ, trong những trường hợp đặc biệt, dí dụ gia phả quá nhiều đời, không thể thể hiện trong một bản vẽ, ngươi ta phải chia ra vẽ từng chi một, mỗi chi một phả đồ. Cũng có trường hợp gia đình chỉ cần phả đồ của một vài thế hệ nào đó, ta cũng vẽ được, song đó là ngoại lệ.
Các loại phả đồ: Loại sơ đồ đạt chuẩn trình bày bằng máy vi tính không phải ai cũng thực hiên được. Ở đây chỉ giới thiệu phương pháp vẽ một sơ đồ đạt yêu cầu nội dung bằng cách vẽ trên giấy. Sơ đồ cũng tính từ trái sang phải để về thứ, từ trên xuống dưới chỉ về đời (thế hệ).
Ba loại Phả đồ sau xin xem phần các bài mẫu
● Ngoại phả: Các phần trên đã nêu là chính phả. Phần tiếp sau đây là ngoại phả. Theo Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, ngoại phả là “phần phụ của gia phả, gồm có nhà thờ, kỵ điền v..v.”. Theo ý của định nghĩa trên, ta có thể thêm vào các phần như hành trạng của những người nổi bậc, bản đồ khu mộ, danh sách những người đổ đạt, quan hệ cưới gả với các họ..v.v.
● Phụ khảo: Việc giỗ chạp là tập tục tốt, kỷ niệm ngày mất của người thân, có các lễ thức, có văn khấn, có thể làm đơn giản hoặc bề thế nhân có yêu cầu sum họp, quyết định điều quan trọng. Tất cả cần sự nghiêm túc, nhắc lai lịch hành trạng người mình cúng để con cháu nhớ. Nội dung văn khấn do người lớn trong nhà thực hiện, với nhang đèn đàng hoàng, nội dung chủ yếu là cầu mong người chết và tổ tiên phù hộ cho con cháu “bình yên vô sự, tai qua nạn khỏi, làm ăn sung túc…”
Trước hết khảo về địa chí xóm ấp từ ngày xưa cho đến hiện nay, khảo về nghề truyền thống, mô tả những công trình kiến trúc tiêu biểu như đình, miếu, chợ…
LẬP DÀN BÀI CHO MỘT GIA PHẢ:
Trước khi dựng bộ gia phả, ta lập dàn bài chi tiết, cấu trúc hợp lý, phù hợp với qui mô, đặc điểm dòng họ.
Phần trên đoạn: Nói mục đích, yêu cầu, vai trò, vị trí của phả trong dòng họ và trong xã hội:
+ Nuớc có sử nhà có phả, giúp cho con cháu biết rõ lịch sử dòng họ, tự hào truyền thống cha ông, sống xứng đáng với tổ tiên. Cụ thể giúp cho việc quan hệ thưa gởi đúng, ghi nhớ ngày giỗ, cưới hỏi không vi phạm….
Nội dung:
1. Phả ký:
a. Tổ phụ và tổ quán
:+ Vị tổ đầu tiên: tiểu sử vị Tổ, lai lịch, hành trạng (Nếu có gia phả cổ thì địch ra chữ Quốc ngữ rồi ghi vào) - Bà tổ: tiểu sử của bà.
+ Tổ quán: Ở đây ta viết về địa lý lịch sử xóm ấp, nơi vị tổ đầu tiên tới khai cơ lập nghiệp, trước tiên nêu tên gọi các giai đoạn lịch sử, ranh giới hành chánh, địa lý sông ngòi, đường sá, chợ, đình chùa. Các dòng họ sống cộng cư. Địa điểm dòng họ mình đang sống, nhà thờ họ, khu mộ.
+ Vẽ bản đồ xóm ấp (theo http://WIKIMAPIA.ORG)
+ Các thế hệ: Theo qui luật hôn nhân, ông tổ sinh ra các chi, phái, hệ số lượng là bao nhiêu, đến nay là mấy đời, tổng số con cháu, hậu duệ, đã cưới, gả với bao nhiêu họ khác.
+ Truyền thống lao động, sản xuất: xác định nghề nghiêp chính nhự nghề nông chẳng hạn: ai, đời nào có tay nghề truyền thống, mô tả chúng; ai kinh doanh buôn bán, ai viên chức.
+ Truyền thống văn hóa: Tín ngưỡng tôn giáo, truyền thống thờ cúng ông bà, chăm lo tạo phúc đức cho con cháu, lo mồ mả, nhà thờ họ, gia phả
+ Truyền thống yêu nước: bám đất giữ làng, đi bộ đội, hoạt động cách mạng, các cá nhân tiêu biểu
+ Truyền thống xây dựng tổ ấm gia đình
b. Đặc điểm tính chất dòng họ và phương hướng xây dựng dòng họ văn hóa Nêu khái quát những ưu điểm của dòng họ vê lao động sản xuất, về văn hóa, về lòng yêu nước va đề ra những điều cơ bản để xây dựng gia đình văn hóa ngày nay.
2. Phả hệ
+ Đời thứ …..Con của ông…..và bà….
+ Khung tên họ: Khung gồm tên chồng và vợ 1, vợ 2. Ghi tên họ, dong kế ghi năm sinh – măm mất theo âm lịch, dòng kế ghi gày giỗ, dòng cuối ghi mộ chôn.
Ghi tiều sử hai vị.
Ghi các con theo thứ tự con trưởng, thứ hai, ba đến hết.
Chú ý cách ghi ngang hay ghi dọc phải nhất quán từ đầu.
3. Phả đồ:
Phả đồ từng chi và tổng phả đô theo mẫu thường dùng
4. Ngoại phả
+ Mô tả các lễ cúng chính và văn khấn. Mô tả nhà thờ họ và Hội đồng gia tộc, nếu có.
+ Mô tả các khu mộ: ghi vi trí và ten người theo mộ bia.
+ Danh sách người có học vị.
+ Biểu ghi quan hệ cưới gả.
+ Danh sách ngày giỗ
+ Tiểu sử nhân vật tiêu biểu.
5. Phụ khảo:
+ Địa chí xóm ấp
+ Đình làng
+ Ngành nghề truyền thống
(Còn tiếp)